Trong 2 tháng vừa rồi, tôi có trải qua 6 đợt điều trị răng. Tôi để ý rằng những buổi điều trị đau nhất lại là những lần cơn đau biến mất chỉ sau vài giờ đồng hồ. Trái lại, những buổi điều trị nặng nhất lại thường là những buổi tôi cảm thấy ít đau đớn nhất, nhưng vấn đề là cơn đau sau đó lại thường kéo dài trong vài tuần. Bởi sao ư? Bởi nha sĩ đã tiêm cho tôi quá nhiều thuốc gây tê, khiến cho tôi tê liệt với tình trạng đau của mình. Khi thuốc tê hết thì cũng là lúc tôi nhận ra mình vừa bị “xử” một cú đau điếng.
Trải nghiệm đau đớn ở các mức khác nhau sau mỗi lần điều trị khiến tôi liên hệ chúng với tính chất của bạo lực. Những bạo lực hiện diện công khai, kiểu như những vết thương ngoài da vậy, thường để lại những vết thương dễ chữa. Hơn nữa, cũng vì nhìn thấy bạo lực tận mắt mà con người có khả năng, có cơ hội để phản kháng. Trái lại, những bạo lực diễn ra âm thầm, không đem lại cảm giác đau đớn, thậm chí có khi còn là dễ chịu, thì lại có khả năng gây thương tổn ghê gớm nhất. Vì cảm giác dễ chịu đã làm con người hoàn toàn tê liệt, họ đâu thấy động lực để phản kháng?
Tôi muốn liên hệ tính chất bạo lực này với khái niệm ‘học tập suốt đời’ (lifelong learning) – một diễn ngôn được cho là đương nhiên và cần thiết trong xã hội đương thời. Sống trong guồng quay của ’học tập suốt đời’, con người bị đặt trong tình cảnh không được ngừng học, ngay cả khi đã rời khỏi ghế nhà trường. Họ bị thôi thúc phải học một cái gì đó (học đàn, học vẽ, học make up, học sơ cứu, học kỹ năng photoshop cơ bản, học cắt chỉnh video, học ngoại ngữ, học chánh niệm, học chữa lành, học thể thao, …) chứ không thể nào “lãng phí” thời gian rảnh rỗi được, vì “thời gian là tiền bạc.”
Tôi không cho rằng các lớp học đó có gì là xấu, cái tôi muốn nói ở đây là cảm giác thôi thúc cần phải học một thứ mới bởi 2 lý do (1) cốt để mình không tụt hậu trong một ‘cỗ máy học’ (learning apparatus, [1]) và (2) là gia tăng giá trị bản thân phục vụ cho tuyển dụng việc làm, nhất là khi các khoá học cung cấp các chứng chỉ đi kèm.
Đa phần mọi người sẽ cảm thấy hoan hỉ với những gì mình học được, nhưng cũng đúng tại giây phút ấy, họ không biết rằng mình đã đứng ngay ngắn trong hàng ngũ của những người bị tiêm thuốc gây tê. Điều đó có nghĩa là gì? Họ không còn ở trạng thái tỉnh táo với bàn tay vô hình thao túng và sản sinh nhu cầu học tập: bàn tay của cỗ máy tư bản.
Trong cỗ máy này, việc học (learning) không những bị gán nghĩa như một giải pháp cho bất cứ vấn đề nào của xã hội (ví dụ, tình trạng thất nghiệp cao ư, cần học; tình trạng bất bình đẳng cao ư, cần học …) mà còn tự nó tái cấu trúc xã hội, biến xã hội đương đại thành xã hội học tập suốt đời. Để làm gì ư? Để con người không ngừng tự bóc lột bản thân mình, tự nguyện hiến dâng tiền bạc và thời gian cho tư bản và hoàn toàn vui vẻ với điều đó.
Hệ quả là gì? Là những cơn tê dại kéo dài cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, chỉ có thể learn mà không thể study [2], và vì thế có thể sống một đời sống của zombie mà không hề hay biết.
Nhưng có cách nào để biến hoá zombie lại thành người được không? Câu trả lời sẽ có ở bài viết kế tiếp.
Quềnh.
—————
Tài liệu tham khảo:
[1] Simons, M., & Masschelein, J. (2008). The governmentalization of learning and the assemblage of a learning apparatus. Educational theory, 58(4), 391-415. Download tại đây. [2] Đọc thêm về sự khác biệt của learn và study tại đây.