Mình có niềm tin sắt đá rằng những niềm đau là món quà tuyệt vời nhất mà cuộc sống mang lại cho mỗi người. Bởi niềm đau cho phép con người quay lại nhìn thật sâu vào cái sinh linh bé bỏng này, học cách ôm ấp nó, từ đó có khả năng thấu cảm với niềm đau của người khác và bớt đi cái ngã tự cao tự đại. Nói theo một cách khác thì niềm đau chính là chất liệu của từ bi.
Mình may mắn có được những trải nghiệm về nỗi đau cá nhân cũng như nỗi đau của những người khác, mà ở đây chỉ xin phép được kể hai trải nghiệm gần đây nhất được chứng kiến nỗi đau của mọi người.
Cuối tháng Chạp của năm 2019, may mà có sự thôi thúc từ Bạn, mình và Bạn đã cùng nhau đi thăm gia đình của một người Anh Hùng. Người Anh Hùng ấy đã hi sinh cho một điều mà người ấy tin là lẽ phải, không nao núng, không luồn cúi, và không ngậm miệng để mong yên ổn. Mình đến nhà người Anh Hùng vào một chiều mưa phùn lạnh buốt, trước sân nhà có một bếp củi to để sưởi ấm, mấy đứa trẻ con ngồi xung quanh, gương mặt buồn, ai cũng buồn cả. Một bà lão ra chào bọn mình, mời vào nhà, bà lão mếu máo khóc, bọn mình cũng rưng rưng. Bà kể chuyện cho bọn mình nghe, mình đón nhận và vỗ lưng cho bà; mình động viên bà hãy mạnh mẽ lên mà sao lúc đấy mình lại giàn giụa nước mắt. Mình ngồi đó, chứng kiến cả gia đình người ra người vào, lúc này thì mình thực sự nghĩ cái người cần xin một chút mạnh mẽ lại là mình chứ không phải bà lão. Mình xin được ôm bà, trong một cái ôm mà mình thấy bao nhiêu là nức nở trong lồng ngực của bà, và một hạt giống của hiểu và thương được truyền trao. Mình quyết định không đón Tết như mọi năm vì muốn chia buồn cùng với gia đình bà.
Trong những ngày đầu tháng Giêng năm 2020, mình dành thời gian xem bộ phim The Vietnam War Bạn nói mình xem đã lâu mà mình chưa có dịp ngồi lại. Đây là một bộ phim tài liệu chiến tranh Việt Nam tâm huyết nhất mà mình từng xem. Chiến tranh hiện ra là một câu chuyện sống động qua lời kể của những cựu binh, những nhà báo, những chính khách của cả hai phía Việt Nam và Mỹ, chứ không phải là những ghi chép khô cằn về những con số. Nỗi buồn chiến tranh cứ từ từ hé lộ, đi cùng với nó là những cuộc đua tranh không ngứt để củng cố bản ngã – rằng một nước Mỹ như thế thì không thể nào thua trận được, rằng ta phải rút quân như thế nào đây để không bị xấu hổ với thế giới, rằng ta vẫn phải đánh tan tác dẫu có hi sinh bao nhiêu sức người sức của. Nếu ta buông xuôi được cái bản ngã như thế thì ta đã có thể bảo toàn sự sống của bao kiếp người cơ cực. Bộ phim đã dạy cho mình nhiều điều, rằng cái hoà bình mà ta có được vào năm 1975 ấy không chỉ là “thắng lợi” của một phe mà là sự hợp lực duyên nghiệp của toàn vũ trụ, rằng chiến tranh không phải là một vinh quang mà là những nỗi đau âm ỉ có thực của mỗi một con người. Chỉ khi chính mình cảm nhận được nỗi đau lớn như thế thì mới có thể trân trọng người khác hơn.
Bà lão đã đau một nỗi đau tận cùng của vết đạn cào cấu nơi trái tim bà, vậy mà mỗi lời bà thốt ra đều chỉ có niềm đau chứ không có lòng sân giận với những người đã làm bà đau đến thế.
Những cựu binh đã ước ao rằng họ chẳng nên có một lòng tự hào quá đỗi như thế khi được phục vụ chiến tranh, cái lòng tự hào là cái đẩy họ đến những hành động vô minh.
Thực ra cũng chẳng có ai để mà giận, ta chỉ có thể giận để rồi cảm thông với những cái thấy lầm lạc mà họ đã mang theo trong mình. Thế nên là khi đọc bài thơ này của thầy Viên Minh trong cuốn Sống trong thực tại, tr.121, mình mới có thể mỉm cười:
Con người là kẻ học nghề
Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau,
Không ai tự biết mình đâu,
Nếu chưa từng trải đớn đau nhiều bề.
Quềnh
Ngày 21.02.2020