Written by Nghĩ về giáo dục

#10 Giáo dục là cùng nhau chuyển hoá.

Giáo dục là cùng nhau chuyển hoá.

Trong bài viết “Giáo dục cần có tính trưởng thành”, tôi đã hứa hẹn bài viết tiếp theo với chủ đề “Giáo viên cần làm gì để đạt tới tính trưởng thành của giáo dục?”, tuy vậy có lẽ tôi phải để dành chủ đề này cho bài kế tiếp…

…bởi hôm nay là một ngày đặc biệt với tôi: Hôm nay tôi nộp sản phẩm hàn lâm đầu tiên của mình, 1 bài báo, cho một tạp chí khoa học đầu ngành. 

Việc bài báo có được chấp nhận hay không thì là một chuyện để sau hẵng bàn. Cái quan trọng hơn ấy là trải nghiệm giáo dục mà tôi đã có với cô tôi – đồng tác giả của bài báo. Sau khi nộp bài, tôi viết cho cô tôi một lá thư thế này:

“Em nộp rồi cô ạ.

Hôm trước đọc mail cô có dòng “Chúc mừng em đã đi đến chặng đường này” mà em khóc quá trời luôn. Đúng là một chặng đường nhiều mồ hôi và nước mắt huhu. Em cảm ơn cô nhiều vì đã tận tình hướng dẫn em. Ngay cả những lúc bê bết nhất thì em vẫn biết là có cô chống lưng, vậy nên dù sợ dù mệt thì em vẫn bước tiếp. 

Tháng 7 năm ngoái, lúc em biết là em phải viết lại từ đầu, em đã suy sụp vô cùng. Cái suy sụp đấy không phải đến từ mỗi chuyện không hiểu conceptualisation là gì và không biết làm gì để conceptualise được, mà còn từ chuyện em nhận ra rằng tiếng Anh của mình dở tệ đến mức nào. Trước giờ em vẫn biết tiếng Anh của mình không tốt, nhưng đúng là cho đến khi nhận được những cmt của cô về chuyện nghĩa của câu cú đảo lộn hết cả thì em mới biết là có gì đó đang sai một cách hệ thống. 

Em dành cả tháng 7 năm ngoái chỉ đi tìm đọc xem lỗi viết của mình ở đâu, làm thế nào để khắc phục. Cuối cùng thì em cũng tìm thấy tia sáng: tiếng Anh của em tệ vì em lắp ghép các từ để tạo nghĩa cho câu y chang cách em dùng tiếng Việt (lúc đó em cũng nhận ra mình bị dạy sai từ cấp 2, lỗi sai ngấm vào máu), trong khi ngữ pháp đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nghĩa cho câu trong tiếng Anh . Ví thử như lúc nãy cô có phân tích cho em về informed =>>> examine thì em mới hiểu được sắc thái nghĩa của nó là như thế, còn nếu không thì em chỉ đọc nghĩa trên bề mặt thôi. Em không hiểu được tường tận các cấu trúc tiếng Anh vậy nên rất có thể là em đang viết một cái gì đó ngớ ngẩn mà em không hề biết, đặc biệt là khi viết mà không đọc lại (ví dụ như chỗ thì hoàn thành has shed light on). 

Em nói vậy không phải để make excuses mà muốn chia sẻ với cô là em thấy mình đã tiến bộ rất nhiều. Tiếng Anh của mình có thể không tốt, nhưng nếu thật sự bỏ nỗ lực, đọc đi đọc lại, viết đi viết lại thì sẽ đến lúc viết được một cái gì đó bớt ngớ ngẩn. 

Cô nghiêm cẩn nên em cũng tự thúc mình phải chỉn chu. Đấy có lẽ là cái ý nghĩa của giáo dục, người thầy và người trò cùng nhau chuyển hoá (transform). 

Em biết ơn cô và hành trình làm nghiên cứu này nhiều lắm lắm ạ. Dù có nhận được desk reject thì em cũng đã chuẩn bị tinh thần, thực ra là cũng đã quen :p Lúc đó viết lại rồi nộp lại thôi ạ.

Em chúc cô buổi tối tốt lành!”

Giáo dục là như thế, là cả thầy cả trò bỏ tâm bỏ sức cho từng con chữ, luôn sợ sai nhưng không dừng lại, để làm gì? Để nhận thấy cái sai, để tìm đường đến cái bớt sai, và để giật mình nhận ra mình đã thành một con người khác khi đi hết một quãng đường dài.

Với tất cả lòng biết ơn,

Quềnh.

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]