Lưu ý:
*Con đường tâm linh này được hiểu theo nghĩa là con đường dẫn tới từ bi và tỉnh thức, chứ không phải con đường cúng bái và thờ tự.
**Tôi không biết có nên dùng từ “học thuật” ở đây hay không vì tôi không cho rằng việc học của mình thuộc academic career (sự nghiệp học thuật). Tôi học vì tôi cảm thấy muốn học và có niềm vui tức thời khi học, chứ cũng không nghĩ rằng việc học của mình phục vụ một ngành nghề nào nhất định.
Giờ này ba năm trước, sau khi buộc phải đối diện với những tổn thương trong sâu thẳm trái tim, tôi lờ mờ nhận ra rằng mình có lẽ nên bắt đầu xây dựng một đời sống tâm linh. Tuy vậy, trong lòng tôi vẫn có nhiều sự đấu tranh. Một mặt, tôi nghĩ rằng mình nên đi theo con đường tâm linh vì tôi hiểu được mối ‘nguy hại’ của con đường học thuật. Bởi lẽ một con người ‘vô minh’ mà lại được tấm bằng trao quyền thì khả năng họ mang lại tổn thương cho người khác là vô cùng lớn. Cũng chính bởi tôi bị đối xử lạnh lùng bởi những người ‘có học’ nên tôi lại càng phải thận trọng hơn khi lựa chọn con đường này. Ở một mặt khác, tôi tự hỏi nếu mình không học nữa thì làm gì? Tôi không có ý định (và thực ra cũng chưa có đủ duyên) để sống một đời sống ‘thoát tục’ trong các tu viện, tôi vẫn cần làm gì đó trong cuộc đời này, nhưng phải làm gì đây?
Những nỗi ám ảnh đó đeo đẳng tôi, khiến tôi cứ phân vân mãi về chuyện có nên học tiếp lên cao không, nếu học thì thu được hoa trái từ bi ra sao, và nếu không học thì cần làm gì? Tôi vẫn nhớ tôi hỏi Giáo sư Michal Starke là: “Thầy ơi, tại sao thầy đã biết tới Giác Ngộ rồi mà vẫn còn dành nhiều thì giờ để nghiên cứu ngôn ngữ học?” Câu hỏi thể hiện rõ cái tính nhị nguyên trong suy nghĩ của tôi, bởi lẽ tôi đã cho rằng một khi muốn đạt tới niết bàn thì phải toàn tâm toàn ý cho nó, chứ không thể cứ hoài phí thời gian vào các chuyện khác được. Tại thời điểm đó, tôi cũng nghĩ rằng một khi theo học đạo Bụt là sẽ phải buông bỏ tất cả, buông bỏ theo nghĩa từ bỏ quá khứ và ngừng cái lộ trình học hành mà tôi đang cân nhắc xem có nên tiếp tục hay không. May mắn thay, một thời gian sau tôi nhận ra câu hỏi của mình thực sự hết sức ngớ ngẩn!
Ở một tầm hiểu biết nông cạn, tôi tìm thấy cái điểm giao nhau giữa con đường tâm linh và con đường học thuật khi đang ngồi nghe giảng trong một lớp phương pháp luận nghiên cứu của cô tôi. Trong hàng trăm ngả nghiên cứu xã hội và nhân văn, tôi thấy được một cái ngõ hẹp có khả năng nuôi dưỡng lòng từ bi. Tôi vẫn nhớ ngày hôm ấy, tôi nhảy chân sáo và hát líu lo trên đường từ trường về nhà. Đây cũng là lý do khiến tôi cảm thấy vững tâm khi lựa chọn tiếp tục học lên cao.
Ở một tầm hiểu biết sâu sắc hơn, tôi thấy con đường tâm linh và con đường học thuật (theo nhánh nghiên cứu mà tôi mới khám phá ra) trùng khớp nhau khi tôi quán chiếu về buông bỏ. (Nói một cách khác thì con đường tâm linh đủ rộng rãi để bao chứa con đường học (thuật) cũng như triệu triệu con đường khác.) Buông bỏ ở đây có nghĩa là có thể học tập nghiên cứu mà không bị dính mắc vào nó. Ví dụ như khi tôi quan sát việc học của Quyết trong một năm trở lại đây. Quyết có thể vui vẻ học và học rất hăng say, nhưng nếu sức khoẻ không cho phép học tập với năng suất 100% nữa thì vẫn vui lòng chấp nhận rằng mình học với hiệu suất 20% và có thể thôi việc học bất cứ lúc nào mà không bận tâm về điều đó nữa. Hoặc là khi tôi dày công tìm tòi một lý thuyết nào đó, có thể dùng lý thuyết đó để nhìn nhận/lý giải một vấn đề trong đời sống, nhưng cũng cần phản tư ngay lập tức rằng lý thuyết đó không có sức mạnh toàn năng để chi phối cuộc đời, lý thuyết là ngón tay chỉ mặt trăng, một khi đã thấy được mặt trăng rồi thì có thể hạ bàn tay xuống.
Do vậy, con đường học thuật có thể có rất nhiều tính tâm linh ở trong đó, chứ không còn đứng trong thế đối lập với nhau nữa. Khi đã hiểu ra được vị trí của hai con đường này, tôi đã có được rất nhiều niềm vui sướng và an yên. Hay diễn đạt theo một cách khác là học hành mà không quên nhiệm vụ ‘ăn chơi’. haha