Mấy ngày nay báo chí toàn những cái tin tệ hại, nào là ô nhiễm độc hại, nào là nước nhiễm dầu, nào là trầm cảm, tự tử khắp mọi nơi, truyền thông được thể sục sôi và lòng người thì sôi sục. Mình buồn nhiều vì môi trường xung quanh không còn đủ mức lành mạnh tối thiểu để đảm bảo cho một cuộc sống bình thường nữa, mình thương cho mình và thương cho những người xung quanh. Nhưng nỗi buồn đó chỉ chiếm một phần nhỏ bé trong cái cơn sầu thăm thẳm, nỗi buồn về sự dối trá và hành vi bao biện trơ trẽn choán lấy tâm trí mình suốt mấy ngày hôm nay.
Đầu giờ chiều, Hà gửi cho cái đường link về việc Bộ tài nguyên môi trường khuyến cáo người dân tạm thời ngưng dùng nước của nhà máy nước sông Đà, trong bài báo có viết: “Khi được hỏi về công nghệ xử lý ô nhiễm dầu, ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) nói: “Sắp tới Công ty sẽ họp và nếu sai thì xin lỗi.””[1] Một tai nạn làm ảnh hưởng tới cuộc sống của bao nhiêu người mà chưa hề có một lời xin lỗi, thêm nữa là cái “lời xin lỗi” (chẳng biết là có hay không trong tương lai) chao ôi sao mà nhẹ bẫng và hời hợt quá. Câu nói như vậy xuất phát từ tiền giả định rằng họ chẳng có lỗi sai gì cả, trong khi hệ quả rành rành ra như thế. Mình không hiểu. Mình không hiểu sức mạnh nào đã làm họ trở nên bình thản với những lời nói dối như vậy. Mình đã không thể hình dung nổi tại sao họ có thể nói ra những lời như thế mà vẫn có thể sống tiếp một cuộc đời sung sướng. Ở hoàn cảnh này, mình không thấy được cách cư xử của con người với con người. Họ coi người tiêu dùng là đối tượng để sản sinh ra tiền, miễn họ kiếm được tiền, người khác có đau khổ bần hàn và cơ cực bao nhiêu thì cũng không quan trọng.
Trong những cuốn sách mình đọc, mình luôn nhìn thấy được những cuộc đấu tranh điên cuồng trong nội tâm của những nhân vật trót quay lưng với sự trung thực. Cậu bé Amir trong Người đua diều đã phải tỏ ra mạnh mẽ và hống hách bao nhiêu để che giấu đi sự hổ thẹn của bản thân. Cậu bé Bruno trong Chú bé mang pyjama sọc cũng vậy, cậu đứng ngồi không yên, mong cho mưa tạnh để được cuốc bộ tới tạ lỗi người bạn bé nhỏ yêu dấu. Ở những lời nói “nếu sai thì xin lỗi” và “Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên” [2] mình chẳng thấy có chút dằn vặt, đấu tranh nội tâm nào cả. Nó cứ xổ ra nhạt toẹt như nước lã và thật thiếu tính người.
Câu chuyện đó lại càng buồn hơn khi mình nghĩ tới khả năng sự dối trá là một sản phẩm của giáo dục. Nếu không có những bậc phụ huynh ngày đêm mong ngóng con mình được 9 được 10 thì chắc con trẻ cũng không tới mức nói dối thành thần. Thi thoảng facebook gợi ý cho mình một số trích đoạn trong series phim Gia đình là số 1, em bé Lam Chi trong phim luôn gân cổ lên để cãi và nói dối thành tích của mình với mẹ. Nói dối một hai lần thì không sao, nói dối nhiều thì sẽ thành phẩm chất (personality). Ngẫm lại cuộc sống của mình thì cũng y hết như vậy, câu chuyện của mình mỗi lần khảo sát điểm kém về nhà là mặt xanh lét, hay chuyện Nga cố tình trộm của bạn một cuốn vở khen thưởng để về nhà mẹ có thể tự hào là con mình hơn bạn hơn bè. Thật may là mình và Nga vẫn còn được tạo điều kiện để sống trung thực.
Mới tháng trước mình đã cùng cực mà đưa ra quyết định đoạn tuyệt tình nghĩa với một người, lý do là họ nói dối nhiều quá, nói dối tới mức gần như mất đi khả năng trung thực với bản thân họ. Mình luôn biết rằng sống trung thực là một điều khó khăn, cần rất nhiều dũng cảm, nhất là trong hoàn cảnh tấm lòng trung thực không tạo ra của cải vật chất. Có lần mình nói với Hằng: “Tao chả có gì ngoài sự chân thành, liệu bên xét duyệt có chấp thuận không nhỉ?” – Hằng trả lời đại ý thế này: “Lúc nào mà mày chả chân thành, chỉ có điều là chân thành thì không mang ra mà “bán” được.”
Hà bảo là Hà rất bối rối khi được hỏi có quay về nước sau khi học xong không, vì Hà bản thân Hà cũng có những nỗi niềm buồn tủi: “Mình rất yêu đất nước mình nhưng mình không muốn ở đó, cũng giống như việc mình yêu một người nhưng ở bên họ không phải là sự lựa chọn tốt nhất”.
Mình buồn, nỗi buồn đeo đẳng mãi không nguôi.
Quềnh.
Tài liệu trích dẫn
[1] https://vnexpress.net/thoi-su/ha-noi-khuyen-cao-khong-uong-nuoc-tu-nha-may-song-da-3997206.html
[2] https://www.nguoiduatin.vn/vai-giay-thoi-de-lot-phim-co-duong-luoi-bo-va-phat-ngon-phan-cam-cua-hoi-dong-kiem-duyet-a452686.html
“E cũng không biết là ntn là đúng vì e cũng hay nói thẳng, nói thật nhưng kết quả cũng ko tốt lắm. Nói chính xác hơn là bị đốp vào mặt rất nhiều 😂. Nhưng e vẫn luôn tin sự thật thà, sự thật vẫn luôn được trân trọng. Em ko biết bnhieu lần bị bi quan, em cũng buồn cũng áp lực. Đọc về những điều tốt lại giúp e lạc quan hơn. Xã hội mình cũng còn nhiều mặt tốt và đáng để suy nghĩ. Do phát triền nhanh nên sẽ xuất hiện những vụ như đổ trộm dầu, dùng nhiều cách vô nhân tính để có được lợi nhuận. Nhưng so với nhiều nơi khác thì cũng chưa nhiều tới mức ko kiểm soát được. Xã hội Mỹ còn xuất hiện những vụ kinh khủng hơn. Hay như ở ĐNA gần đây đã có những vụ bắt ng buôn ma tuý giết luôn không cần xét xử. Thử hỏi nếu mình ghét ai, nhét cho họ ma tuý thì sao (và đúng là có trường hợp đó). E cũng chưa biết e có rời bỏ nơi đây không. Nếu có, chắc chắn sẽ quay lại. Chị đừng buồn vì khi chị cố gắng cho nơi đây thì hãy nhớ vẫn luôn có em nữa. Dù chị có không, em cũng sẽ vẫn cố gắngg!”
Trích lại chia sẻ của em Đ.H.H.