Written by Tự tình với... sách

Một cuốn sách hay là một cuốn sách kích thích được nơi người đọc nhiều suy nghĩ, liên tưởng. “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn là muốn cuốn sách như thế. 

Cuốn tiểu thuyết, và cũng là cuốn tự truyện, tự đặt ra cho nó những câu hỏi như: Thế  nào là tự do?, Tự do về mặt vật lý có đi cùng với tự do về mặt tinh thần hay không?, Cuộc sống trong tù có phải đã là địa ngục rồi không?, Có khi nào tự thân nhà tù và bản án lại là một lối thoát?. Cuốn tiểu thuyết tự đưa ra những câu trả lời, rồi lại tự phủ định nó. Mình thích cái chất tự phủ định trong cuốn sách. Nó phản ảnh một sự phức tạp trong nội tâm của mỗi con người trong quá trình đương đầu với cuộc sống và hiểu chính mình. Hiều chính mình là khó, vì khó và không thấy được thành tựu, cũng chẳng được khen thưởng, nên cần nhiều sự dũng cảm. 

Mình thấy cuốn sách gần gũi với giai đoạn này của cuộc đời mình. Sách viết nhiều về những năm tháng tù đày thời kì 1960s, nó có một giá trị ghê gớm về mặt lịch sử chiến tranh, nhưng cái làm mình trăn trở nhiều hơn là cuộc sống “tự do” sau khi được mãn hạn tù. Mình để từ “tự do” trong dấu ngoặc kép vì mình không chắc là những người tù không án đó được hưởng một cái tự do căn bản, mà hình như là không. Trông có vẻ là tự do đấy, nhưng thực ra vẫn là đang ở tù. Chất tù ngấm dần vào mỗi con người, tù hoá, và bình thường hoá trạng thái tù. Ca ngợi tự do, khát khao tự do được giới hạn trong những suy nghĩ đậm chất tù. Việc bóc tách các lớp tù khiến mình hoang mang, bối rối và đau. Một số người sẽ cảm thấy rất đau, như Già Đô trong câu chuyện, sẽ muốn quay lại với nhà tù. Nhà tù lúc này là một sự giải thoát lớn lao. 

Mình yêu thích một cách giải thích của tác giả, khi ông được khen rằng có khiếu đặt tên cho sách, ông nói: thực ra chuyện này cũng chẳng có gì to tát cả, cái tên chẳng qua là một phần cuộc sống, người viết văn rút một khúc ruột họ ra, viết lên những trang giấy, cái tên đến một cách tự nhiên. Muốn cái gì đó đến tự nhiên, thì lại phải luyện tập để không bị xơ cứng. 

Việc viết ra câu chuyện của đời mình như thế không phải là một chuyện dễ dàng, bóc tách bản thân mình ra mà mang ra cho thiên hạ bình phẩm thì thật là quá sức, chưa kể tới việc viết về bản thân mình thì có thể lại rơi vào quá đà. Gần 700 trang viết, trang nào cũng tỉ mỉ, trang nào cũng thấy được giọt mồ hôi của người viết, dù mình biết giọt mồ hôi này đến rất tự nhiên. Mình thích tác giả, vì đã dũng cảm và chân thật.

Quềnh. 
Sáng ngày 10.07.2019 

Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn)

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]