Lớp 11, ngồi trong giờ giáo dục công dân, cô đưa ra một câu hỏi hết sức triết học là: “Tôi là ai?”, mấy đứa trong lớp nhao nhao trả lời cô, câu trả lời nào cô cũng nói là chưa đúng. Thế này thì băng khoăn quá nhỉ, nếu mình không phải là Quỳnh, nếu mình không phải là cái thân thể này thì mình là ai/cái gì?
Dạo này được tiếp xúc nhiều với những người học hành tử tế, Bạn đâm ra yêu thích tìm hiểu về học thuật và nghiên cứu. Hôm trước còn khăn gói quả mướp sang nhà mình học: “Nghiên cứu là gì?”, “Làm thế nào để nghiên cứu?”, “Nghiên cứu có tác dụng gì?”, vân vân. Sau buổi học hôm đó, 2 đứa vẫn ngày ngày trao đổi thêm về vấn đề ấy. Đến một lúc cao trào, Bạn mới nói:
“Quỳnh ạ
Bạn thú vị thật đấy
Nói chuyện với bạn thì chủ đề nào cũng thấy thú vị”
Nếu như là mình của ngày xưa thì mình sẽ nhanh chóng mà chớp lấy cơ hội để phổng mũi, nhưng lần này mình dành ra vài giây để suy nghĩ về cái sự thú vị. Tại sao lại có cái sự thú vị ấy. Mình trả lời:
“Vì mình may mắn gặp toàn những người thú vị, bạn nói chuyện với mình nhưng thực ra đang nói chuyện với tận 5-6 người cùng một lúc đó.”
Khi đọc sách của thầy Nhất Hạnh, mình cũng biết rằng cái thân thể này tồn tại liên đới, thầy dùng từ inter-being và inter-are, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên mình cảm nhận về sự tồn tại liên đới rõ nét tới vậy. Khi mình trình bày một vấn đề gì đó, mình đang nói lời của một/nhiều ai đó mà mình đã có cơ hội học hỏi/tiếp xúc/trao đổi cùng, cái tri thức do vậy được trao truyền qua một tồn tại mang tên Quỳnh, chứ bản thân cái âm thanh Quỳnh phát ra là một thứ trống rỗng. Mình chỉ tồn tại với cái tên đó thôi, chứ trong cái tồn tại đó thì có sự hiện hữu của ông bà tổ tiên, của bố mẹ, của em, của bạn bè, của thầy cô, của những người gặp gỡ qua những trang sách, của những em nhỏ có dịp tiếp xúc, của những vườn cây, của củ khoai lang, của những bông hoa,… Thân xác có thể nhìn thấy này đích thị là một sự chuyên chở của vô vàn dòng ý thức.
Vậy nên, tôi có tên là Quỳnh, chứ tôi không phải là Quỳnh.
Tôi vừa là tất cả mà cũng chẳng là gì.
Và giờ mới cảm được cái chất thiền trong bài thơ Hãy Gọi Đúng Tên Tôi của thầy Nhất Hạnh.
Yêu thương,
[…] đã chiêm nghiệm và ghi chép lại trong nhiều bài viết trước đây (ví dụ bài này), mình thấy được rằng “bản chất” của con người (nếu mà cần thiết […]