Chuyện là gần đây mình rất quý mến một giáo sư bởi lẽ ngay từ buổi đầu tiên thầy đã cho mình thấy lại được phẩm chất sư phạm là như thế nào. (Từ quan sát của mình thì không phải giáo sư nào trong chương trình học cũng có phẩm chất sư phạm). Trong khi rất nhiều giáo sư tỏ ra thân thiện và lảng tránh mâu thuẫn thì thầy không ngại thể hiện cảm xúc và thẳng thắn đáp trả một bạn trong lớp khi mà bạn phàn nàn và đòi hỏi quá nhiều về chuyện sắp xếp lịch học.
Mình tin là một người thầy đích thực thì phải có chính kiến như vậy, ít ra cũng phải nhận biết được những phản hồi nào của học trò là chính đáng để quyết định xem mình có thể thương lượng được với học trò tới đâu. Mình vì thế mà rất yêu quý thầy, mình chắc mẩm có khi thi xong mình sẽ hẹn gặp thầy một buổi để hàn huyên.
Hôm qua mình đi thi cuối kỳ cho môn của thầy. Run rủi thế nào mà mình lại là người thi nói cuối cùng của buổi sáng, vậy nên mới nán lại để trò chuyện. Thực ra cũng bởi vì thầy bắt chuyện với mình trước, thầy hỏi là mình đến từ Việt Nam à. Thầy có mối duyên đi làm dự án ở Việt Nam và thầy vẫn còn nhớ như in những trải nghiệm cóp nhặt được từ chuyến đi ấy dù đã 20 năm trôi qua. Mình mới hỏi nhẹ là thầy làm dự án gì là thầy nói thao thao bất tuyệt trong vòng 15-20 phút luôn. Mình nhớ nhất 2 chi tiết:
(1) Thầy bảo là thầy đến Việt Nam trong vai trò là ‘chuyên gia’, nhưng Quỳnh biết không, khi thầy gặp gỡ mọi người ở đấy, thầy cảm giác như mình chẳng biết gì cả! Mọi thứ đều lạ lẫm, nhưng ấy có lẽ là một sự lạ lẫm cần thiết cho một người đã làm nghề hơn 10 năm và nghĩ rằng mình đã nắm rõ cái sự dạy và học. Vấn đề thầy đặt ra là: Thực ra các ‘chuyên gia’ cũng rất cần được va chạm với thế giới ‘mới’ để nhận ra là họ không biết, chứ nếu cứ sống trong vùng an toàn mãi thì chỉ là ếch ngồi đáy giếng thôi.
(2) Thầy bị ấn tượng về cảnh nghèo mà sạch sẽ tươm tất của đồng bào miền núi phía Bắc Việt Nam. Thầy đã từng nghĩ rằng nghèo thì sẽ lụp xụp, tăm tối, bừa bộn; nhưng không, trải nghiệm mắt thấy tai nghe đã làm thầy nghĩ khác đi! Thêm nữa là ấn tượng về những người Việt Nam nhỏ bé thồ 2 giỏ hàng đầy ú ụ trên chiếc xe đạp cà tàng leo lên vách núi, từng bước, từng bước chắc nịch. Thầy bảo: nếu người Việt nào cũng như thế thì bảo sao họ có thể kiên cường trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ.
2 thầy trò còn nói nhiều chuyện khác nữa, cỡ đâu gần 1 tiếng, nhưng có vẻ cái đọng lại trong đầu mình nhất là thông điệp “Hold on, hold on!” trong mọi quyết định sư phạm. Bởi rất nhiều khi cái hiểu biết của mình đang sai, như 2 ví dụ kể trên. Thầy bảo bây giờ người làm giáo dục cứ hô hào nhau cải cách, đổi mới giáo dục, rồi thì ứng dụng kỹ thuật này kỹ thuật kia, cứ thấy hay hay mà đâu có biết là họ đang muốn đi đến cái đích nào. (Nói xong câu đấy thì thầy cũng tự tếu việc thầy đang làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới sáng tạo Giáo dục ở Khoa mình :p)
Chốt lại, việc xác định đích đến là quan trọng nhất nhất trong thực hành giáo dục, còn nếu không cải tiến được thì hãy giải biện cho những thực hành giáo dục cũ, kể cả đồng ý hay phản đối thì cũng đang là đóng góp cho giáo dục, chứ không phải là làm linh tinh nháo nhào nhào! Phải luôn nhớ trong đầu là: Từ từ đã, chưa quyết vội, từ từ rồi khoai sẽ nhừ.