Written by Tự tình với... sách

Về sự đọc

Tôi biết đến việc đọc khá muộn. Trước khi vào đại học, tất cả vốn liếng về sự đọc của tôi chỉ quanh quẩn bên mấy quyển sách giáo khoa. 

Chưa có một ai dạy tôi đọc, và tôi cũng hiếm khi thấy một ai đó trong đám bạn bè tôi ngồi ngấu nghiến đọc một cuốn sách. Có lẽ cùng có vài ba đứa, nhưng chúng nó thường đọc ở nhà, và thường không chia sẻ với tôi về sự đọc, vì hồi đó tôi là sự lựa chọn cuối cùng nếu ai đó cần chọn một người nào đó để nói chuyện cùng. Lúc ấy tôi chưa biết đến cái hấp dẫn của chữ nghĩa, nhưng tôi biết chắc rằng một người thành công đối với tôi phải là một người sống gắn liền với sự đọc. 

Lên lớp 13, tôi quyết tâm rèn giũa cho mình khả năng đọc. Tôi lên thư viện, đi hết một vòng, rồi chọn cho mình cuốn Kim Bình Mai vì hồi đó nghe thầy dạy toán bảo là cuốn đó phản ánh đúng về xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Cuốn sách dày đâu đó khoảng 700 trang. Tôi đọc cho bằng hết. Cuốn thứ hai mà tôi đọc là Thuỷ Hử, 2 tập, dày hơn 1000 trang. Tôi phải nói là cuốn này đọc chán phèo, gì mà ông A gặp ông B, ông B gặp ông C, nhậu với nhau xong cùng đánh ông D, rồi lại làm bạn với ông D. Ấy vậy mà tôi vẫn đọc hết, tôi không nghĩ là sách chán, tôi nghĩ mình đơn giản là ảm đạm hơn sách. Tôi không nhớ những quyển tiếp theo là gì, nhưng đâu đó sau khi tôi đọc hết 5-6 quyển thì tôi bắt đầu “nghiện”. Tuần nào tôi cũng lên thư viện mượn ít nhất 2 quyển. Chiều nào được nghỉ tôi cũng ngồi thư viện. Ấy là một niềm vui lớn lao. Bây giờ vẫn vậy, thậm chí còn vui hơn. 

Nghe báo đài và giang hồ thổi phồng về kĩ năng đọc nhanh, tôi da diết mải miết chạy theo xu hướng. Tốc độ đọc của tôi tăng dần theo năm tháng. Nhưng tới giờ, tôi mới phát hiện ra điều đó “Chết dở!” như thế nào. Hiện tại tôi đang quay về tiến hoá lùi, rèn cho mình cách đọc chậm. Mỗi 1 đoạn, nếu là tiếng Việt, tôi thường đọc 2 lần, còn tiếng Anh tôi thường đọc 4-5 lần. Đọc chậm có ích hơn là đọc nhanh. Quả là một bài học xương máu. 

Gần đây tôi đọc được post của một người bạn, bạn ấy chia sẻ về việc bạn ấy đã tiếp xúc với sách và sự đọc từ khi còn học lớp 3. Cái mầm mống về sự đọc ấy đi theo bạn suốt cả cuộc đời. Tôi buồn, vì tôi chậm tiến hơn bạn những 10 năm. Tôi đã nghĩ tới hai chữ “Giá mà…”, nhưng rồi lại thôi. Cái gì cần đến vào lúc nào thì nó sẽ đến vào lúc ấy, không có gì để mà nuối tiếc cả. 

Tôi vẫn mừng vui mỗi ngày khi dành thời gian cho việc đọc. Đọc bất cứ cái gì mà không phải là rác, đọc bất cứ cái gì mà không “trà sữa”. Tôi chợt nhớ tới câu chuyện Tấm ngồi nhặt thóc, phải chăng sự đọc cũng là như vậy, cần mẫn và tỉ mỉ, để cuối cùng có một thúng gạo sạch thơm tho. Thật may là chẳng có ông Bụt nào xuất hiện, vì nếu có ông Bụt thì làm sao mà sự đọc ra ra gì gì được. 

Quềnh. 
Ngày 02/04/2019

Nhặt lá đá ống bơ ở công viên :))
Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]