Written by Tương giao với đời

Tu (1)

Hành trình tu không phải là để “sung sướng”, “hết khổ” mà là để có một thái độ đúng đắn trước cái khổ của mình. Một khi đã có tâm thế vững vàng đối diện với buồn/đau/giận… thì những cảm xúc đó sẽ nhanh chóng chuyển hoá. Chuyển hoá sang vui, rồi sau đó lại buồn, sau buồn lại vui, không có gì phải xoắn cả. Hơn nữa, trong buồn có vui, trong vui có buồn, trong gặp gỡ có chia ly, trong xa cách có gần gụi, thấy vậy để thảnh thơi trước đổi thay.

Thiền không phải là để “chạy trốn” khỏi cảm xúc, mà là để (cố) định lại cái thân tâm của mình, để không đánh mất sự tỉnh táo trong những lúc sân si giận hờn. Ngồi thiền là cần thiết nhưng không phải là chuyện quan trọng nhất, ngồi thiền là để trợ đắc sự bình tĩnh trong bất cứ tình huống nào bên ngoài cái thời gian ngồi thiền.

Tu là luyện cho mình khả năng cực kỳ nhạy cảm với thân và tâm. Bất cứ khi nào thân thể mệt mỏi là phải nhận biết được, bất cứ khi nào tâm trí bắt đầu căng thẳng là phải nhận biết, để bắt đầu điều hoà lại thân-tâm. Một người làm việc cực nhọc thì khó có thể là một người tu hành được, vì như thế là chưa có sự nhạy cảm với thân thể, chưa trân trọng thân thể.

Tu là đi vào trong yêu, yêu người, yêu đời. Do vậy tu là hành trình luyện tập cho trái tim. Đứng trước một tình huống, càng lắng nghe được trái tim bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, không nên để cho cái tâm trí (thường là hỗn tạp và lươn lẹo) lên tiếng. Một khi tâm trí tắt tiếng, sự hơn thua cũng tắt ngấm. Trái tim thì không có hơn thua, trái tim không có nhu cầu cạnh tranh, trái tim chỉ yêu thôi, do vậy càng tu được nhiều thì tình yêu càng lớn. Tu là để nhận ra rằng mọi vấn đề đều sinh ra và được giải quyết ngay trong chính mình. Chẳng có gì bên ngoài mình để đổ lỗi cả.

Viết tặng Máng Lợn bề bộn lộn xộn.
Ngày 19.03.2021

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]