Written by Nghĩ về giáo dục

Tại sao người thầy luôn có phẩm chất chính trị?

CHÍNH TRỊ LÀ GÌ?

Nếu như trong đời sống xã hội ‘chính trị’ thường được hiểu là phương thức tổ chức thực hành quyền lực của chính phủ và nhà nước của mỗi quốc gia và hoạt động dựa trên sự tuân phục của công dân nước đó, thì nó lại được hiểu với nghĩa dường như đối nghịch trong phạm vi sư phạm [1]. 

Trong địa hạt sư phạm, chính trị là phẩm chất tự nhiên của mỗi thế hệ, bởi mỗi thế hệ đều bị/được đặt giữa cái cũ và cái mới, giữa nhóm người già hơn và nhóm trẻ hơn, giữa những giá trị văn hoá mà lịch sử tích lũy và những sinh linh bé bỏng có khả năng kiến tạo một thế giới mới [2]. Người cha, người mẹ, người thầy, hay người lớn nói chung, vì ở trong vị trí ấy, mà cần phải giới thiệu (introduce) con trẻ tới thế giới họ đang sống, gắn kết (engage) con trẻ với thế giới, chỉ ra những xung tác (authorities, which means something starts speaking to the child), và tạo điều kiện cho con trẻ phản hồi (respond) với những xung tác đó [3]. Việc phản hồi này cũng chính là những thực hành mang lại tiềm năng tái tạo thế giới (renewing the world). 

Chính trị, ngoài việc thể hiện vị trí trung gian tất yếu của mỗi thế hệ, thì còn gắn chặt với tự do, – tự do theo nghĩa là con người không bận tâm tới các lo toan về mưu sinh và, do đó, có thời gian và tâm trí để nghĩ về công việc chung hay đi xa hơn là hình thành các ý tưởng mà sức sống của chúng vượt lên sự hữu hạn của một đời người [1]. Chính trị tồn tại trên nền của tự do, bởi vậy mà trách nhiệm của người lớn với con trẻ được thể hiện rất rõ qua việc họ có đủ tâm huyết để tạo ra không gian tự do cho con trẻ hay không, hay là cố gắng ngăn chặn, kìm kẹp và cốt sao để con trẻ phục tùng theo ý mình, theo cái logic “bình thường vẫn thế.”

PHẨM CHẤT CHÍNH TRỊ LÀ GÌ?

Thể theo cách hiểu trên về chính trị thì phẩm chất chính trị được thể hiện ở việc một người ý thức được vị trí của mình (giữa cái cũ và cái mới) và nhận lấy trách nhiệm giữ gìn, cơi nới các không gian tự do cho con trẻ.

TẠI SAO NGƯỜI THẦY (PEDAGOGUE) LẠI LUÔN CÓ PHẨM CHẤT CHÍNH TRỊ?

Câu trả lời đơn giản là vì người thầy làm được cả hai điều trên:

Người thầy ý thức được rất rõ những chuyện đã xảy ra – những chuyện khiến cho thế giới đương thời có hình hài như nó đang là, và mô tả lại được thế giới đó với con trẻ. Một trong những cách mà người thầy có thể làm việc này cho tốt là đi truy vết lịch sử khái niệm (History of Concepts) hoặc nghiên cứu lịch sử diễn ngôn, bởi mỗi khái niệm đều là kết quả của một quá trình vận động lịch sử bị chi phối bởi đặc thù hoàn cảnh không-thời gian đương thời. [4]

Người thầy ý thức được đâu là không gian tự do. Một ví dụ điển hình của không gian tự do là trường học (schole) – nơi mà mọi lo toan mưu sinh đều được đặt bên ngoài cổng trường. Học sinh tới lớp là để được giới thiệu (introduced) về thế giới, để được gắn kết (engaged) với thế giới thông qua những bài giảng của thầy, để thấy được thế giới đang nói (speak to) với mình, và mời gọi mình phản hồi (respond) với thế giới ấy. (Đây cũng là lý thuyết mà người thầy Jan Masschelein và người bạn Maarten Simons của mình đang theo đuổi [5]). Ngoài không gian trường học thì ta cũng có thể tạo dựng vô vàn không gian tự do khác, miễn là nơi đó không có hiện hữu của lo loan mưu sinh và không bị công cụ hoá để thực hiện một mục đích có sẵn nào đó. 

Các bạn đã có được người thầy nào như vậy hoặc đã từng sống trong không gian tự do nào như vậy chưa?

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Thị Từ Huy (2022). Các khái niệm chính trị của Hannah Arendt. NXB Đà Nẵng
[2] Mollenhauer, K. (2014). Forgotten connections: On culture and upbringing(trans.: N. Friesen). Routledge. 
[3] Masschelein, J. & Simons, M. (2013). In defence of the school. A public issue. E-ducation, culture & society publishers
[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Conceptual_history 
[5] Mời các bạn đọc các công trình sư phạm của 2 thầy ở đây: https://respaedagogica.be/en/introduction 

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]