Written by Tự tình với... sách

“Sự thật”

Nếu cuốn sách đã chạm tới trái tim rất nhiều độc giả bởi những khắc hoạ chân thực và cảm động về Afganistan với nỗi buồn chiến tranh, thì với mình, cái thứ làm mình quan tâm hơn cả khi đọc tác phẩm này lại là những chiến tranh trong chính nội tâm của nhân vật, đặc biệt là tình tiết có dính dáng đến “sự thật”. 

Một cuộc đấu tranh nội tâm điên cuồng đã xảy ra trong đầu cậu bé Amir khi nhìn thấy người bạn thân thiết nhất của mình bị bọn đầu gấu hãm hiếp. Ở một hướng, tiếng gọi của lương tâm xiết mạnh vào tim cậu, mách bảo cậu phải hét ầm lên, phi thẳng vào chỗ bọn cớm kia mà cứu bạn mình ra, như thế thì mới xứng đáng làm người. Nhưng rồi, tiếng gọi của sợ hãi ở hướng đối lập thu hẹp cậu lại với cái suy nghĩ rằng mình không những chẳng cứu được bạn mà còn trở thành nạn nhân kế tiếp của một sự ê chề tởm lợm. Cậu bỏ chạy, bỏ chạy khỏi lương tâm, bỏ chạy khỏi những thoả thuận về đạo đức giữa hai người bạn, và toan tính bỏ chạy luôn khỏi sự thật, nhưng bất lực. 

Sự thật luôn hiện hữu, dù thời gian nó hiển lộ có thể sớm hoặc muộn với người này hoặc người kia. Mọi người, đa phần khi được hỏi là có yêu thích sự thật hay không, thì đều có xu hướng trả lời là có. Tuy nhiên, sau khi một sự thật nào đó được phơi bày, có thể câu trả lời sẽ khác. Qua những trải nghiệm mà mình có được, sự thật, trong hầu hết những lần đối diện, đều mang lại những nỗi đau và sự hụt hẫng rất lớn. Mình mất một khoảng thời gian vừa đủ để cân bằng lại bản thân và nhìn nhận nó. Mình vẫn hay băn khoăn là có nên hỏi người này câu này, hỏi người kia câu kia không, nếu sự thật mà mình nhận được không như mình mong đợi thì mình liệu mình có thay đổi suy nghĩ về họ hay không? Nếu câu trả lời là “Có” thì mình, theo một cách khá hèn nhát, sẽ giữ lại câu hỏi cho riêng mình. Kì lạ là, một thời gian sau, tự dưng người đó lại mang câu trả lời đến cho mình, mặc dù mình không hé răng ra tí nào. Sự thật của họ có khi làm mình vui và có khi làm mình buồn, nhưng sau tất cả thì mình biết nó luôn hiện hữu ở đây và không có cách nào khác ngoài việc sống chung với nó, hít thở nó và cứ để nó bên mình như vậy. 

MÌnh xin trích lại lời của một thầy sư mà mình có duyên biết tới, lời của thầy đã cứu mình ra khỏi rất nhiều những bất ổn trong tâm mình: 

“Con không sai gì cả. Như thầy đã nói ở trên, nếu xem cuộc đời là trường học qua đó học ra vô vàn sự thật để loại bỏ những ảo tưởng về bản ngã, tình yêu, quan niệm, thành kiến, cố chấp v.v… do vô minh ái dục mà ra thì cuộc đời dù phải trải qua bao nhiêu thăng trầm: thành-bại, được-mất, hơn-thua, vinh-nhục, vui-khổ cũng đáng sống vì đó là môi trường duy nhất giúp con giác ngộ giải thoát. Đó là lý do vì sao đức Phật dạy: Khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sầu, tự tại và vô nhiễm, là phúc lành cao thượng.”

Cuốn sách viết: “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại.” Nghe có vẻ tốt lành và đầy hi vọng, nhưng có thực sự cần một con đường để cứu vãn sự thật hay không?

Quềnh. 
Hà Nội, ngày 01.12.2018
Xin cảm ơn HĐ về cuốn sách mất ăn mất ngủ này 😆

Người đua diều (Khaled Hosseini)
Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]