Written by Tương giao với đời

Gột rửa

Nay đã là 28 tháng Chạp. Vẫn như mọi khi, mình là đứa nhận trách nhiệm lau chùi cầu thang, công việc này thì khá tỉ mẩn, nó giống như mấy cái ảnh meme trên mạng về chuyện lau những vân hoa gỗ loằng ngoằng trên tràng kỷ, trông đến là khổ sở. Mình của những năm trước trông cũng na ná như vậy, nhưng năm nay thì khác hẳn, mình vui vẻ đón nhận nhiệm vụ vì mình biết ấy sẽ là khoảng thời gian tốt để mình thực tập chánh niệm. 

Để ‘ở đây và bây giờ’ với chuyện lau nhà thì mình vẫn chưa thực tập được trọn vẹn, vì đầu vẫn nghĩ ngợi vẩn vơ, và vì nghĩ ngợi vẩn vơ nên mới lồm cồm bò dậy vào buổi trưa để viết. Mỗi khi cầm chiếc giẻ miết lên từng bậc cầu thang, mình thấy bao nhiêu là bụi bặm dính vào hạt nước, bụi chuyển hoá từ dạng bột sang dạng nước, từng bậc thang lại có thể trở về một màu xanh tươi mới. Mình thiết nghĩ tới bản thân mình trong một năm vừa rồi, cũng đã trải qua rất nhiều lần gột rửa như thế. 

Năm vừa rồi là năm mình đã nhận ra mình không còn là bức tranh phong cảnh treo ở phòng khách nữa, mình tháo gỡ mình ra khỏi vị trí đó, ném/được ném mình ra ngoài gió sương, thi thoảng nằm lăn lốc trước cổng rào, khi thì la cà nơi vườn ruộng. Mình không còn là mình vâng lời của ngày xưa, và điều đó làm cho nhiều người phải bàng hoàng. Những dòng thuỷ sinh liên tục va đập vào mình, tát đốp vào mặt mình, và buộc mình phải đặt ra một chuỗi câu hỏi dài tới bất tận cho bản thân.

Sự phản tỉnh rõ một nhất chắc là sự thiếu kiên nhẫn. Cho dù câu thần chú “Patience is ethics.” rõ mồn một trong đầu thì cứ mỗi lần có chuyện gì đó là cái bản tính ‘thích lên kế hoạch’ lại được thể phô bày tới ngượng ngùng. Kể cả khi chia tay, kể cả khi đi thăm người quá cố, kể cả khi đi đứng hằng ngày, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của tính vội vã. May là có Thuốc An Thần ở bên, lúc nào cũng nhắc nhở kịp thời (dù mình sửa không kịp). 

Sự phản tỉnh thứ hai là cái xu hướng thích kiểm soát người khác, diễn đạt theo một cách khác thì là cái mong muốn người khác phải cư xử theo cách mình muốn. Có lần hỏi Nhăn Nhó là: “Bạn thấy một người dễ thương thì rất dễ để thương người ta, nhưng bạn có thương được một người không dễ thương không?” Hỏi Nhăn Nhó nhưng thực ra là hỏi chính bản thân mình, ví dụ khi mà mình cứ khuyến khích người khác phải/nên đọc sách thì mới có thể thương người ta được chẳng hạn. Hay khi gặp Miệt Vườn thì cứ nghĩ mãi xem tính cách của nó khó chịu như thế thì làm sao mà chơi lâu dài được (ấy mà vẫn chơi với nhau khá dài lâu). 

Công việc tiếp tục của năm mới thì vẫn là gột rửa. Năm nay mình quyết định không đón ‘Tết vui’, mình không hiểu sao cứ Tết thì lại phải vui, trong khi năm mới người ta vẫn chẳng cố gắng gì hơn là mấy so với năm cũ. Nếu niềm vui có đó, thì sẽ là niềm vui tới hằng ngày, như là mình đã rất vui khi lau cầu thang sáng nay. 

Tết năm nay mình sẽ dành để chia buồn cùng với gia đình một Anh Hùng, đúng là phải đi, phải thấy, phải nghe chuyện thì lòng trắc ẩn mới nảy nở. Mình hiểu tại sao khung cảnh chiến tranh lại làm nảy nở những mầm rất phật của Thầy Nhất Hạnh và Sư cô Chân Không.

Tết năm ngoái mình không cầu chi cả, đi bao nhiêu chùa cũng chỉ vào lạy Phật rồi ra về, mình nghĩ rằng mọi chuyện đến hay đi thì vũ trụ đã có sắp xếp. Năm nay mình tham lam hơn một chút, mình cầu cho một hạt mầm của hình bóng tha nhân nảy sinh trong lòng mình và mọi người. 

Thương mến,
Quềnh
Từ căn gác nhỏ, ngày 22/01/2020.

19.01.2020 – Hôm ấy là một ngày rất vui với triết học, thơ ca và mỹ học.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]