Written by Nghĩ về giáo dục

Giáo dục cần có tính trưởng thành.

Dưới sức ép của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tân tự do, thực hành giáo dục trong những thập kỷ gần đây đã trở nên đồng nhất với thực hành thi cử, các bài thi chuẩn hoá năng lực và các mục tiêu học tập cụ thể. Lối thực hành giáo dục này, dù phổ biến khắp nơi, được xem là một biểu hiện/ hệ quả của khủng hoảng (triết lý) giáo dục. 

Đứng trước khủng hoảng này, một nhóm học giả cho rằng giáo dục nên tập trung vào người học (student-centered approach) thay vì tập trung vào điểm số và cách đo đạc. Lối suy nghĩ này dẫn đến trào lưu dạy và học mà trong đó nội dung dạy học được thiết kế riêng cho từng học sinh, đảm bảo rằng mỗi học sinh đều được phát triển theo tốc độ và tính cách riêng của mình. 

Tuy vậy, Gert Biesta cho rằng cách làm này không phải giải pháp hữu ích bởi nó vẫn hướng những đứa trẻ vào việc ganh đua so bì điểm số, khiến chúng ngày càng xa lánh bạn bè xung quanh vì mong muốn mình là người giỏi giang duy nhất. Cách làm này đặt đứa trẻ vào vòng xoáy của bản ngã bởi đứa trẻ luôn muốn nhìn vào chính bản thân chúng (look into his/her identity) mà thôi. 

Với Gert Biesta, đích đến của giáo dục là làm sao để đứa trẻ có thể nhìn ra thế giới (look out to the world) và từ đó học cách chung sống với những thực thể xung quanh, bao gồm con người, thiên nhiên, cây cỏ,…. Khái niệm mà Gert Biesta dùng để gói gọn mục đích này là từ grown-upness (tính trưởng thành). 

“Education should help children and young people to exist in the world in a grown-up way.” (Giáo dục nên giúp học trò sống một cách trưởng thành trong thế giới.)

Trưởng thành ở đây không phải là kết quả của việc đứa trẻ hoàn thành một danh sách các nhiệm vụ học tập. Tương tự như chuyện không phải cứ học xong cấp một, cấp hai, cấp ba, đại học, đi làm, kết hôn, sinh con,… thì một người sẽ trưởng thành. 

Trưởng thành là khả năng một người sống chan hoà với chính họ và tạo dựng được không gian sống cho những người/vật xung quanh. Hay nói một cách khác, trưởng thành là việc lấy thế giới làm trung tâm (world-centered), đồng nghĩa với việc không cho rằng cá nhân mình là quan trọng nhất, những quyết định của mình là đúng đắn nhất. Ví dụ như việc đứa trẻ biết rằng tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn và chúng cần phải hành xử ra sao để không cướp đi “miếng cơm manh áo” của thiên nhiên. 

Vậy những người thầy cần phải làm gì để có thể đạt được tính trưởng thành trong giáo dục? Câu trả lời sẽ có trong bài viết kế tiếp. 

Quềnh.

————————————————

Bài viết là những ghi chép lại từ bài trình bày của Triết gia Giáo dục Gert Biesta về chủ đề “Being at home in the world” tại link https://www.youtube.com/watch?v=qUXSxGD8WmE.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]